
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bắt đầu điện đàm – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, khoảng 21h tối 18-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc điện đàm quan trọng với người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Dan Scavino thông báo trên X: “Cuộc gọi diễn ra tốt và vẫn đang diễn ra”.
Cuộc điện đàm lịch sử
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa lãnh đạo Nga – Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 1-2025.
Phát biểu trước thềm điện đàm về nội dung cuộc trao đổi này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Có rất nhiều vấn đề, từ việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đến vấn đề Ukraine, và toàn bộ sẽ được hai tổng thống thảo luận”.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh cuộc điện đàm xuất phát từ đề xuất của cả hai bên. Ông cảnh báo dù “những kỳ vọng mang tính cảm xúc” đối với cuộc hội đàm là điều dễ hiểu nhưng đây chỉ là “một cuộc trao đổi trong một chuỗi quá trình liên lạc” giữa Mỹ và Nga.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh các chủ đề như tái cấu trúc trật tự thế giới hay “Yalta mới” sẽ không là nội dung được hai tổng thống trao đổi trong lần này.
Tháng 2-1945, trong bối cảnh Thế chiến 2 dần hạ màn, lãnh đạo Mỹ, Anh và Liên Xô đã họp bàn tại Yalta (Liên Xô) về trật tự thế giới và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các nước sau chiến tranh.
Sự kiện này gọi là Hội nghị Yalta, góp phần định hình trật tự thế giới hai cực trong hầu hết nửa sau thế kỷ 20.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine chính là cuộc chiến tranh lớn nhất tại châu Âu từ sau Thế chiến 2 đến nay, đã tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị toàn cầu.
Cục diện thế giới xoay chiều

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau năm 2018 – Ảnh: REUTERS
Cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra hôm 12-2 là cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong ba năm qua, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ Nga – Mỹ vốn đã “về không”.
Từ sau cuộc điện đàm này, tình hình thế giới đã có nhiều biến chuyển sâu sắc, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Một mặt, Washington ngày càng tỏ ra nồng ấm với Matxcơva với nhiều tuyên bố mang tính thiện cảm giữa lãnh đạo hai nước. Phái đoàn của hai nước cũng đã gặp mặt và đàm phán tại Saudi Arabia về việc bình thường hóa quan hệ và vấn đề Ukraine.
Mặt khác, ông Trump tiếp tục thúc đẩy một cái kết sớm cho cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài hơn ba năm. Trong quá trình này, ông từng đấu khẩu kịch liệt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng và tuyên bố cắt viện trợ quân sự cho Ukraine ngay sau đó.
Tuy nhiên, sau các phiên đàm phán tại Saudi Arabia giữa quan chức Mỹ và Ukraine hôm 11-3, Mỹ đã nối lại việc viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.
Ngược lại, Ukraine cũng chấp thuận đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày và đồng ý đàm phán ngay lập tức với Nga sau ba năm chiến tranh khốc liệt.
Điều này khiến viễn cảnh hòa bình lập lại ở châu Âu đang gần hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, cuộc điện đàm Trump – Putin tiếp theo cực kỳ được trông đợi.
Thậm chí, lãnh đạo hai nước còn cho biết không loại trừ khả năng sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Putin trong thời gian tới.
Khoảng 23h57 (giờ Việt Nam), Đài NBC News thông báo cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin đã kết thúc. Cuộc gọi kéo dài hơn một tiếng rưỡi.
Thủ tướng Anh điện đàm ông Trump ngay trước giờ G

Thủ tướng Anh Kier Starmer – Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian, tối 17-3, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã điện đàm với ông Trump ngay trước khi cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Putin.
Người phát ngôn của ông Starmer cho biết “Thủ tướng Anh đã cập nhật với Tổng thống Mỹ về lời kêu gọi thành lập ‘Liên minh tự nguyện’ được ông gửi đến lãnh đạo thế giới hôm 15-3”.
Ông Starmer cũng “nhấn mạnh mọi bên phải cùng nhau phối hợp để đưa Ukraine vào vị thế vững chắc nhất có thể nhằm giành lấy một hòa bình công bằng và lâu dài”.
“Liên minh tự nguyện” là sáng kiến được Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khởi xướng trong bối cảnh Mỹ có dấu hiệu không còn mặn mà với việc hỗ trợ Ukraine. Liên minh này nhằm đảm bảo sức mạnh cho Ukraine chống Nga, trong đó có đề xuất cử lực lượng hòa bình châu Âu đến Ukraine khi có lệnh ngừng bắn.
Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về các vấn đề liên quan đến thương mại song phương giữa hai nước và chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Houthi ở Yemen của Mỹ.